top of page

Tình nguyện cùng Zó sẽ như thế nào nhỉ?

Chào Lorena, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân mình được không?

Tôi tên là Lorena San Martín, 27 tuổi và tôi đến từ Chile. Ngành học của tôi ở trường đại học là Graphic Design, khi tôi kết thúc ngành này, tôi sẽ tiếp tục học về Business Management. Một trong những niềm đam mê của tôi là du lịch, nghệ thuật và chỉnh sửa thiết kế.

Điều gì đã khiến bạn quyết định đến Việt Nam và làm việc cùng với Zó với vị trí tình nguyện viên vậy?

Một trong những ước mơ từ lúc bé của tôi là được tình nguyện ở một số nơi trên thế giới. Tôi được tổ chức Latinomics giới thiệu về Zó Project và một số công việc họ từng làm. Tôi rất hứng thú với những dự án của họ, chính vì vậy, tôi đã quyết định đến Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên của bạn về Zó Project là gì vậy? Bạn có thể chia sẻ một chút về những công việc của bạn ở Zó Project với vị trí tình nguyện viên thiết kế được không?

Ấn tượng đầu tiên của tôi ngày đầu tiên làm việc ở Zó rất tuyệt vời. Tôi ngay lập tức muốn bắt đầu công việc, bởi vì ngôi nhà của Zó có thể truyền cảm hứng cho bạn nhờ sự sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới và kiến tạo những ý tưởng mới lạ. Chỉ có một rào cản duy nhất khiến tôi hơi lo lắng, chính là ngôn ngữ, bởi tôi nói tiêng Anh không được tốt lắm.

Trong thời gian tình nguyện ở đây, hẳn bạn có rất nhiều kinh nghiệm về thiết kế trên giấy dó và tham gia vào một số sự kiện văn hóa nghệ thuật của Zó?

Đúng vậy, khi tình nguyện ở đây, tôi có cơ hội học được rất nhiều thứ mới, một trong những điều tôi thích nhất là:

- Khi chúng tôi đến làng nghề để học về những nghệ nhân làm mây đan tre, họ đã cho chúng tôi xem những sản phẩm rất đẹp mà họ làm để bán như đèn, ghế tre... Sau đó, chúng tôi đến nhà văn hóa, ở đó, tôi gặp một bác lớn tuổi rất nhiệt tình dạy chúng tôi cách chơi nhạc với các nhạc cụ truyền thống Việt Nam.

- Khi Nhung- người sáng lập Zó Project đưa tôi đến một trung tâm người khuyết tật để dạy họ gia công sổ. Đó là một trải nghiệm rất ấm áp đối với tôi.

- Một kỉ niệm khác cũng rất thú vị, đó là khi tôi đến thăm làng làm giấy để dạy trẻ con tái chế giấy.

Sau đó, chúng tôi có bữa trưa rất ngon với toàn các món ăn Việt Nam. Tôi được mời uống thử loại rượu rất độc đáo làm từ mật ong và tổ ong. Vào buổi chiều, tôi có cơ hội thực sự học về nghề làm giấy thủ công và xem tận mắt các quy trình làm giấy.

- Cùng với những người bạn làm việc chung ở văn phòng Zó, chúng tôi có buổi thiền vào các chiều thứ hai, thực sự là hoạt động yêu thích của tôi.

Bạn nghĩ sao về mục đích ra đời của Zó Project: bảo tồn giấy cổ truyền Việt Nam và đưa các thiết kế hiện đại vào giấy dó?

Tôi nghĩ đây thực sự là điểm mấu chốt để giữ gìn văn hóa truyền thống Việt Nam tiếp tục tồn tại và mang đến cho thế hệ trẻ cơ hội học về những giá trị truyền thống dân tộc. Việc vận dụng các thiết kế hiện đại và đưa nó vào giấy truyền thống của Việt Nam là một cách đầy sáng tạo để thu hút sự quan tâm của người trẻ, để từ đó, chúng ta có thể sẽ có nhiều người bạn hơn nữa quan tâm và muốn tìm hiểu về giấy dó.

Bạn có muốn gửi một thông điệp đến với những ai muốn cộng tác với Zó, những tình nguyện viên, thực tập sinh, người ủng hộ?

Động lực, sự chủ động và những ý tưởng mới là những từ khóa để bạn bắt đầu công việc ở Zó. Đôi lúc, bạn có thể sẽ gặp phải những khó khăn khi cố gắng thích nghi với văn hóa và nhất là thời tiết ở đây, nhưng chỉ cần đơn giản nhắc bản thân nhớ về mục đích làm việc của bạn. Những kết quả từ công việc sẽ khiên bạn cảm thấy thực sự vui vẻ và thỏa mãn.

bottom of page