Những câu chuyện của Zó
- Van Anh Nguyen
- 9 thg 6, 2016
- 3 phút đọc
Zó Project ra đời từ một câu chuyện đậm dấu ấn cá nhân của một tâm hồn người trẻ trót mê mẩn vẻ đep của nghệ thuật thư pháp truyền thống trên giấy dó. Hai năm kể từ ngày thành lập, chúng tôi đã mượn những trang giấy tưởng chừng như mỏng manh ấy để kể lại những câu chuyện có tên và không tên. Từ câu chuyện về một trong những nghệ nhân làm giấy dó hiếm hoi còn duy trì nghề làm giấy dó một cách thủ công, truyền thống, cho đến câu chuyện của một nghệ sĩ trẻ tổ chức triển lãm tranh nghệ thuật trên nền giấy dó vòng quanh thế giới…

Và bạn biết không, chính chúng tôi, những thành viên của Zó Project, vẫn có thể bị giấy dó và những câu chuyện mà giấy dó mang đến làm cho ngỡ ngàng. Buổi sang đầu thu hôm ấy, Maya- một cô gái Pháp tìm đến văn phòng của Zó. Qua những mẩu tin nhắn nho nhỏ trên facebook, chúng tôi biết cô đang học master về giấy truyền thống trên thế giới và muốn tìm hiểu về giấy dó, và Zó Project là dự án duy nhất cô có thể tìm thấy trên Internet nơi cô nghĩ có thể cung cấp cho cô những thông tin và nếu may mắn, còn có thể lần đầu tiên được chạm tay vào tấm giấy dó Việt Nam thật sự.
Nhưng câu chuyện của Maya còn thú vị hơn thế, cô gái trẻ háo hức nhìn quanh văn phòng xếp đầy những tập giấy dó đủ mọi màu sắc, dày mỏng. Cô không ngần ngại chia sẻ câu chuyện của mình. Chuyện kể rằng, tại một bảo tàng ở Paris, nước Pháp, có hai chiếc đèn lồng bằng giấy cổ, được cho rằng đến từ Việt Nam và ra đời từ những năm 20 của thế kỉ trước. Bài tập tốt nghiệp của Maya, là khôi phục lại hai chiếc đèn theo đúng nguyên mẫu, cả về chất liệu giấy . Đó là lí do cô tìm đến Việt Nam, cô tin rằng chỉ có thể ở Việt Nam cô mới tìm được thứ giấy làm đèn có thể tồn tại cả trăm năm . Giấy dó chỉ là một trong những phỏng đoán của cô, và Maya tìm đến với Zó hoàn toàn là do tình cờ.

Nhưng có lẽ đó là ngày của những bất ngờ, chúng tôi đều tin rằng, hai chiếc đèn cổ ấy được làm từ chính giấy dó, những tấm giấy càng để lâu với tháng năm sẽ càng bền màu, càng đẹp. Những tấm giấy sinh ra từ cây cỏ, được bàn tay của những nghệ nhân và phương pháp làm giấy cổ truyền tạo thành hình, và đựợc đất trời, thiên nhiên bồi tụ… Nhìn những tấm ảnh Maya mang từ Pháp, những đèn con cua, con cá chép còn tươi màu, chúng tôi thực sự xúc động. Gần một thế kỉ trôi qua, có biết bao sự biến đổi, thay thế diễn ra, vậy mà vẫn có những vật tưởng như mỏng manh nhất, dễ bị thời gian bào mòn nhất như một thứ đồ chơi dân gian bằng giấy theo một cách kì diệu nào đó, tồn tại cho đến ngày hôm nay. Để rồi cũng kì diệu như vậy, một cô gái người Pháp đang dành rất nhiều tâm huyết để khôi phục, bảo tồn chúng.
Maya thoáng buồn khi chúng tôi không thể tìm được bất cứ làng nghề nào còn làm đèn con thú nữa, dù Trung thu mới qua chưa bao lâu. Không chỉ là đèn con thú, ngay cả đèn bằng giấy, cũng không còn được làm nữa mà thay vào đó là giấy bóng kính màu sắc. Dù vậy, chúng tôi vẫn nói với Maya rằng, “ cứ tìm kiếm đi, biết đâu bạn sẽ tìm thấy làng nghề nào đó vẫn đang duy trì làm đèn lồng giấy”. Chúng tôi không ai bảo ai, dù tất cả đều có chung một niềm tin.
Bởi đó cũng chính là niềm tin gắn với dự án Zó: giấy dó và những giá trị văn hóa truyền thống sẽ không thể mất đi, nếu chúng ta vẫn còn yêu quý, và trân trọng chúng.
Van Anh Nguyen
Hà Nội, 9.10.2015
Comments