top of page

Bước chân đến thử thách thú vị nhất của tôi

Nhớ lại khoảng thời gian 3 tháng rưỡi trước đây cũng là dịp Giáng Sinh ở Mexico, tôi đang quây quần bên gia đình mình. Và đột nhiên, tôi nhận ra rằng tôi chỉ còn lại 2 tuần nữa, tôi sẽ dấn thân vào một trong những quyết định mạo hiểm nhất cuộc đời mình.

Từ bỏ công việc ở một công ty thiết kế đồ họa đang khá nổi tiếng ở quê nhà để đi tình nguyện ở Việt Nam trong 3 tháng là một trong những điều đáng sợ nhất mà tôi quyết tâm phải làm cho bằng được. Tôi biết rằng mình sẽ phải đối mặt với một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt và một thứ ngôn ngữ xa lạ. Nhưng sâu trong lòng mình, tôi biết rằng cuộc đời đang hướng tôi tới một lối sống quan tâm cộng đồng hơn và Zó Project – doanh nghiệp xã hội mà tôi sẽ cộng tác tại Việt Nam có thể giúp tôi đạt được điều đó. Thế là, với cái bụng đau quặn thắt và bữa sáng cứ chực trào ra khỏi cổ họng, tôi lên chuyến bay ngày 3 tháng 1 và sẵn sàng cho chuyến đi dài hơn 20 tiếng đồng hồ để đến với thủ đô Hà Nội của Việt Nam – nơi cách quê nhà tôi 14,500km.

Với Mariana, Zó team giống như một gia đình vậy

Những tuần đầu ở Hà Nội là pha trộn của hứng thú và cả khó khăn. Xung quanh tôi là bao nhiêu âm thanh, mùi vị, thức ăn, nơi thăm thú, phong tục và hơn hết là một nền văn hóa khác xa với tất cả những gì tôi từng được biết. Tuy vậy, điều đó cũng giúp tôi cảm thấy phấn khởi và thích thú mỗi khi tôi khám phá được một khía cạnh mới của văn hóa Việt Nam, như khi tôi được nếm thử một món gọi là Nom Bo Kho và phát hiện một con hẻm khác lạ dẫn ra một con đường tràn ngập các món ăn hấp dẫn khi đang tham quan khu phố cổ, hay một hồ nước nằm ngay giữa lòng đô thị với người dân ngồi câu cá xung quanh. Hà Nội như một thành phố của sự tương phản, nơi mà cái mới và cái cũ không ngừng tranh đấu để tìm được chỗ đứng cho mình trong lòng thủ đô không ngừng phát triển của Việt Nam. Một thành phố luôn có cách để làm bạn kinh ngạc, từ giao thông đông đúc cùng với những con đường khiến bạn cảm thấy vô vọng đến sự tốt bụng và luôn sẵn lòng giúp đỡ tuy có phần hơi lạnh lùng của người dân thủ đô.

Nhưng có vẻ tôi đang bị xao nhãng với những ấn tượng đầu về Hà Nội, vì mục đích chính của tôi khi đến nơi này chính là tham gia một chương trình tình nguyện trong vòng 3 tháng với Zó Project – một doanh nghiệp xã hội với nỗ lực bảo tồn và duy trì việc sản xuất giấy Dó – một loại giấy cổ truyền Việt Nam được các nghệ nhân tại các làng nghề ở Hòa Bình và Bắc Ninh sản xuất thủ công và đã trải qua lịch sử hơn 6 thế kỷ. Tôi sẽ tham gia Zó Project với tư cách là một thực tập sinh chuyên ngành Thiết kế Đồ họa, cho nên trong vòng 2 ngày sau khi đáp máy bay, tôi tới văn phòng của Zó ở ngay trung tâm khu Hồ Tây – một khu vực rất yên bình bao quanh hồ nước lớn nhất ở Hà Nội. Ngay khi vừa tới nơi, mọi người cho tôi biết là Tết đang đến rất gần, và đó là một trong những ngày lễ quan trọng nhất, nếu không muốn nói là ngày lễ quan trọng duy nhất của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Đối với người Việt Nam, Tết là dịp để tặng quà cho bạn bè và người thân để thể hiện lòng biết ơn và tình cảm yêu mến, còn đối với Zó và cả tôi nữa, Tết sắp đến đồng nghĩa với việc chúng tôi có rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho chiến dịch Marketing của Zó với những bộ quà tặng Tết mà Zó sẽ hợp tác sản xuất cùng với 2 doanh nghiệp xã hội khác. Các công việc bao gồm thiết kế tờ rơi, các hình thức quảng cáo và sắp xếp một buổi chụp ảnh cho tất cả các sản phẩm được bán, cho nên ngay từ đầu, tôi đã biết tôi sẽ phải làm việc rất chăm chỉ.

Với tư cách là một nhà thiết kế, tôi được dạy rằng yếu tố cần thiết nhất để tạo ra một sản phẩm tốt là phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng và phải thích nghi với bối cảnh mà các thiết kế hướng đến. Điều kiện đầu tiên có thể dễ dàng thực hiện được khi làm việc với Zó vì mọi người đã giải thích cho tôi một cách rõ ràng về đối tượng họ nhắm tới nhưng có vẻ tôi đã quá ngây thơ và xem nhẹ độ khó của điều kiện sau. Gu thẩm mỹ của người Việt Nam khác xa so với những gì tôi từng biết trước đây. Do ở Mexico và Mỹ Latin trong nhiều năm nên chúng tôi ít nhiều bị ảnh hưởng phong cách Tây Âu trong thiết kế, với những đường nét rõ ràng hơn và màu sắc nhã nhặn, thậm chí có thể bỏ qua một vài câu chuyện dân gian đặc trưng của chúng tôi, thì nghệ thuật ở Việt Nam vẫn luôn có một sự kết nối mạnh mẽ với nguồn gốc dân tộc và gu thẩm mỹ truyền thống. Một ví dụ điển hình có thể được bắt gặp ở khắp các đền chùa dọc đất nước. Với những màu sắc tương phản, nổi bật, mạnh mẽ, bạn có thể nhìn thấy sự kết hợp nhiều yếu tố từ những đường thẳng hợp lại từ những cột dọc cho tới những hình dạng có tổ chức được tạo thành từ những mái nhà cong cong. Sự kết hợp vô số những yếu tố kiến trúc như vậy chính là điều tôi cần phải lưu tâm và đưa vào những dự án hợp tác trong tương lai với Zó. Lúc đầu, mọi thứ có làm tôi khó chịu một chút vì nó cực kì đối lập với phong cách thiết kế riêng của tôi. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi bắt đầu bắt tay vào nhiều dự án hơn như làm thiệp, những sản phẩm mang dấu ấn của Zó như sổ tay hay việc thiết kế tờ rơi cho chương trình mới của Zó cũng đã giúp tôi hiểu rõ hơn về gu thẩm mỹ truyền thống Việt Nam. Điều này cũng giúp tôi có một cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam. Tất cả là nhờ có đội ngũ nhân viên tại văn phòng đã nỗ lực rất nhiều để giải thích cho tôi nghe về các phong tục, tập quán ở Việt Nam và định hướng cho tôi tham gia vào các dự án.

Một khía cạnh cực kì thú vị của Zó Project chính là chuỗi những sự kiện và hội chợ được tổ chức thường xuyên. Tôi đã có cơ hội tham dự một buổi hội chợ ở đại học, chương trình Trồng cây hợp tác với Vietherb và một chuyến tham quan tới làng nghề giấy Dó ở Hòa Bình. Tất cả những trải nghiệm đó đã giúp tôi hiểu thêm về các sản phẩm và sứ mệnh của Zó. Nhưng đóng vai trò quan trọng hơn hết phải kể đến chuyến thăm làng giấy ở Hòa Bình.

Trong tuần cuối tôi ở Việt Nam, cũng là khoảng thời gian kết thúc chương trình thực tập, tôi đã cùng với các thành viên của Zó cùng các bạn thực tập sinh khác tổ chức một chuyến đi tới làng giấy ở Hòa Bình để quan sát quá trình sản xuất và các mức chất lượng đã được quy định. Trước đó, tôi không có điều kiện tiếp xúc nhiều với các nghệ nhân làm giấy và chính chuyến đi này đã thực sự làm cho trải nghiệm tại Việt Nam của tôi trở nên trọn vẹn. Trước khi đến với làng giấy tại Hòa Bình, tôi chỉ góp sức vào khâu thiết kế của dự án với ý tưởng là làm sao giới thiệu giấy Dó theo một cách hiện đại hơn để một lần nữa đem loại giấy đặc biệt này đến với người dân Việt Nam cũng như cả thế giới – một ý tưởng mà bản thân tôi rất thích, nhất là khi xem xét thị trường thiết kế hiện nay khi chất lượng không còn là yếu tố quyết định cuối cùng mà mỗi sản phẩm còn cần một chút gì đó khác biệt để tiến xa hơn trên thị trường quốc tế, điều mà Zó luôn cố gắng đạt được. Vì thế, vài ngày ở làng nghề, được rời xa những con đường tấp nập của Hà Nội và quan trọng hơn, được tiếp cận với nguồn gốc của dự án này, được biết cách làm ra giấy dó, tiếp xúc nhiều hơn với các nghệ nhân và gốc gác của nghề làm giấy thực sự là bước cuối cùng hoàn hảo để tôi hoàn toàn hiểu được sứ mệnh của Zó, chính là bảo tồn và duy trì một phần di sản Việt Nam.

Tất nhiên, trải nghiệm của tôi ở Việt Nam còn được ghi dấu bằng việc thám hiểm một vài nơi của đất nước này. Tôi đã có dịp đến Huế và Hội An trong những ngày Tết và có cơ hội so sánh cũng như nhận ra sự tương phản giữa cảnh quan, ẩm thực, con người, thời tiết của những nơi này với miền Bắc. Tôi cũng đã tới thăm Mỹ Sơn và đi bộ tham quan vườn quốc gia Bạch Mã cũng như một số làng cổ nhỏ xinh xung quanh Hà Nội vào dịp cuối tuần như Bát Tràng, Lệ Mật hay Đường Lâm. Tôi cũng đã đi thăm Ninh Bình và dĩ nhiên là phải đi bộ đường dài tham quan phong cảnh và ở lại nhà người dân khi có cơ hội đặt chân tới thành phố Sa Pa vào một dịp cuối tuần.

Mariana cũng có cơ hội được trải nghiệm những vùng đất tuyệt đẹp của Việt Nam

Việc tới Việt Nam đối với tôi thực sự là một thử thách khi phải thích nghi mới một nền văn hóa và môi trường hoàn toàn khác biệt, nhưng đó cũng là một cơ hội để tôi vượt qua giới hạn an toàn của bản thân và trưởng thành hơn. Vậy nên, tôi dành lời khuyên cho tất cả những ai đang có ý định thực hiện một chương trình tình nguyện/ thực tập để thử thách chính mình, hãy đến Việt Nam. Nghe thì có vẻ khá khó khăn, nhưng đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để bạn khám phá bản thân và trưởng thành hơn từng ngày và đồng thời, bạn còn có thể cống hiến cho xã hội như Zó vậy.

bottom of page